Năm nay, Nam Long sẽ tiếp tục ghi nhận doanh số từ các dự án như Akari City, Mizuki Park (TP.HCM), Southgate Long An, dự án Cần Thơ. 

Nam Long đang làm 8 dự án cùng lúc 

Tại hội thảo về ngành bất động sản do HSC tổ chức, ông Phạm Đình Huy, Giám đốc Đầu tư Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long (HoSE: NLG) đã chia sẻ 2 điểm khác biệt của doanh nghiệp so với thị trường. 

Thứ nhất, kim chỉ nam hoạt động của Nam Long trong hơn 30 năm qua là hướng tới khách hàng có nhu cầu ở thực tại nơi dự kiến triển khai dự án như Cần Thơ, Hải Phòng, Long An, TP HCM, Đồng Nai. 

Nam Long từng cân nhắc làm dự án nghỉ dưỡng, có quỹ đất và đã nộp tiền sử dụng đất. Tuy nhiên, với định hướng rõ ràng vào phân khúc nhà ở nhu cầu ở thực, Công ty đã bán lại dự án này và dùng tiền để đền bù, làm dự án Southgate Long An. 

Về cơ cấu vốn, Nam Long có sự khác biệt với các doanh nghiệp cùng ngành. Khi mua đất, Công ty dùng vốn chủ sở hữu. Sau khi mua, Công ty lại dùng vốn vay như trái phiếu hoặc kêu gọi đầu tư từ đối tác trong và ngoài nước ở cấp độ dự án để lấy tiền tái đầu tư. Mục tiêu có thể lấy được một phần tiền ở trong miếng đất đã mua và tái đầu tư vào chính dự án đó, đảm bảo tỷ lệ nợ trên vốn không vượt quá 50% ở tất cả các thời điểm triển khai dự án. Hiện tại, Nam Long đang làm 8 dự án cùng lúc, nhưng hệ số nợ/vốn chỉ 35%. 

Chiến lược bán ra thị trường sản phẩm có thể được hấp thụ ngay 

Ông Phạm Đình Huy cũng cho hay, năm nay, tổng giá trị hàng bán ra của Nam Long có thể đạt 18.000 tỷ đồng, nhưng Công ty chỉ đặt mục tiêu doanh số 10.000 tỷ đồng, tương đương năm trước. 

Sở dĩ con số mục tiêu được đặt ra thấp hơn khả năng dự tính vì trong danh mục, Nam Long có những sản phẩm có giá trị lớn, khoảng 20 - 30 tỷ đồng. Theo đánh giá của công ty, điều này không phù hợp với tình hình hiện tại. Nam Long đã xác định sẽ tập trung bán các dự án có khả năng hấp thụ tốt hơn như căn hộ thương mại EHome (giá trên dưới khoảng 1 tỉ đồng/căn), nhà ở xã hội EHomeS (giá từ 650 triệu đồng/căn tùy vùng), căn hộ biệt lập dòng Flora ( giá từ  1,5 tỉ đồng/căn). 

Doanh số 10.000 tỷ đồng đến từ các dự án như Akari City, Mizuki Park (TP HCM), Southgate Long An, dự án Cần Thơ. Nếu Công ty hoàn thiện được các vấn đề pháp lý kịp thời thì có thể mở bán thêm Izumi City (Đồng Nai). Trong quý I, dự án Mizuki Park đã bàn giao cụm căn hộ Flora MP6-7-8, ghi nhận hơn 500 căn đã hoàn tất thanh toán 95%. 

Như vậy,  Công ty có thể ghi nhận lợi nhuận từ dự án này. Trong điều kiện thuận lợi về pháp lý, Nam Long có thể mở bán các sản phẩm đất nền, nhà ở thương mại tại dự án Cần Thơ. Quý II năm nay, công ty dự kiến bán ra các sản phẩm nhà ở xã hội cũng thuộc dự án này. 

Với Izumi City (tên thương mại dự án Đồng Nai Waterfront), công ty đã bán giai đoạn 1, đang hoàn tất công tác xây dựng, ký hợp đồng mua bán, dự kiến bàn giao trong năm nay. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng đang tiến hành đẩy mạnh pháp lý dự án, thay đổi quy hoạch 1/500 để điều chỉnh sản phẩm cho phù hợp hơn với thực tế thị trường hiện tại. Ông Huy cũng nói thêm tiến độ bán hàng phụ thuộc vào quy hoạch. Nếu quy hoạch chậm, công ty sẽ phải cân nhắc có thể làm theo quy hoạch đã được phê duyệt ban đầu. Với con số 10.000 tỷ đồng doanh số, ban lãnh đạo Nam Long đang cân nhắc mục tiêu doanh thu 4.300 tỷ đồng, lợi nhuận 500 tỷ đồng trong năm nay. Kế hoạch này chưa chắc chắn 100%, theo ông Huy, vẫn còn phải phụ thuộc vào thị trường và sẽ được trình cổ đông thông qua tại ĐHCĐ thường niên 2023 vào ngày 22/4 tới đây. 

Đại diện Nam Long cũng cho biết thêm, vào tháng 6 - 7 tới đây, Nam Long có khoảng 450 tỷ đồng trái phiếu tại VCBS đến kỳ đáo hạn. Việc thanh toán trái phiếu đáo hạn này không là vấn đề đáng lo ngại, Công ty có dòng tiền để chi trả.

Nguồn: baodautu.vn