'Khu siêu kinh tế' là cụm từ mà ông Bùi Đào Thái Trường - phó tổng giám đốc Roland Berger khu vực Đông Nam Á - nói về Khu kinh tế tỉnh Long An tại buổi tọa đàm 'Định hướng phát triển vùng kinh tế công nghệ cao' do UBND tỉnh tổ chức sáng 19-4.

Trao đổi về đầu tư và quy hoạch công nghiệp trên địa bàn Long An tại tọa đàm - Ảnh: S.LÂM

Buổi tọa đàm có sự tham dự của Phó thủ tướng Trương Hòa Bình cùng nhiều tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài như: Đại sứ quán Hàn Quốc, Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tại Việt Nam.

Nhiều đại diện tập đoàn lớn tại Việt Nam như Microsoft, Dell EMC, Nvidia, SAP, Siemens... cũng có mặt.

Khu kinh tế thắt chặt kết nối miền Đông - miền Tây

Theo đánh giá của nhiều đại biểu, với diện tích được dự tính quy hoạch trên 32.300ha, Khu kinh tế Long An nếu được hình thành sẽ thừa hưởng tất cả những thuận lợi về vị trí địa lý mà Long An đang có để phát triển kinh tế.

Hiện Long An đang thực hiện một bản quy hoạch chi tiết với sự tích hợp của tất cả các lĩnh vực phát triển kinh tế.

Theo định hướng, toàn tỉnh sẽ chia ra 3 phân khu với chức năng riêng biệt. Ngoài TP Tân An là trung tâm, các huyện vùng Đồng Tháp Mười gồm Vĩnh Hưng, Tân Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa sẽ thành vùng đảm bảo an ninh lương thực và cung cấp nguồn nguyên liệu phát triển công nghiệp chế biến.

Vùng đệm sinh thái giữa hai dòng sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây, bao gồm các huyện Đức Huệ, Thủ Thừa, Tân Trụ, Châu Thành, sẽ là nơi phát triển năng lượng tái tạo và đô thị sinh thái bên sông.

Các huyện còn lại giáp TP.HCM gồm Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc, Cần Đước sẽ trở thành các đô thị vệ tinh và các khu, cụm công nghiệp.

32.300ha đất dự tính quy hoạch làm Khu kinh tế Long An trùm lên hai huyện Cần Giuộc (19.200ha) và Cần Đước (13.100ha) sẽ nằm ngay cạnh TP.HCM, là điểm kết nối chính của khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ và TP.HCM, đã được kết nối hạ tầng giao thông khá thuận lợi với Cảng quốc tế Long An trên cửa sông Soài Rạp và hàng loạt hệ thống tỉnh lộ đã được xây dựng kết nối với các tuyến quốc lộ 50, quốc lộ 1... Không chỉ thế, đây còn là khu vực khởi đầu cho tuyến đường biển duyên hải miền Tây trong tương lai.

"Đây được kỳ vọng là một trong những khu kinh tế lớn nhất khu vực Nam Bộ, đủ quy mô để tận dụng nguồn vốn FDI từ các nước Đông Á với nhu cầu sử dụng đất ngày càng cao, dễ kết nối các khu công nghiệp tại miền Nam, tham gia vào các chuỗi cung ứng chưa hoàn thiện, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ cao" - ông Bùi Đào Thái Trường nói.

Đồng thời cho rằng với vị trí chiến lược và quỹ đất dồi dào, Khu kinh tế Long An có thể trở thành siêu khu kinh tế kết nối các khu vực quan trọng như các thành phố công nghiệp tại Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ hay các thành phố du lịch như TP.HCM, Vũng Tàu, Phnom Penh (Campuchia).

"Sẵn sàng xách cặp theo hỗ trợ các anh"

Tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Văn Được, bí thư Tỉnh ủy Long An, cho hay tỉnh này đang mạnh dạn định hướng hình thành khu kinh tế công nghệ cao trên địa bàn và gắn với xây dựng đô thị thông minh theo mô hình, kiểu mẫu của Hàn Quốc để làm nơi thu hút, ươm tạo các dự án công nghệ cao.

Và ngay trong chiều cùng ngày, ông Được đã chủ trì buổi thảo luận với Đại sứ quán Hàn Quốc, Tham tán thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam cùng nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc và đơn vị kết nối là Saigontel, để giới thiệu cụ thể thêm về các ý tưởng mà tỉnh định hướng quy hoạch cho Khu kinh tế Long An.

Cụ thể, khu kinh tế này sẽ được quy hoạch theo các phân khu chức năng gồm 2 khu đô thị vệ tinh ở trung tâm 2 huyện Cần Giuộc và Cần Đước. Phần ở giữa sẽ là khu đô thị giáo dục, y tế, thể dục thể thao.

Các khu vực xung quanh sẽ tương thích với các khu đô thị phụ trợ, khu công nghiệp - cảng biển quốc tế ở phía đông, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở phía tây và phía nam là khu đô thị sinh thái.

Sau khi các sở, ban, ngành giải thích cặn kẽ những thắc mắc mà Đại sứ quán Hàn Quốc cùng đại diện những tập đoàn lớn của nước này đưa ra về nước sạch, môi trường, chính sách ưu đãi, giải phóng mặt bằng, quy hoạch sử dụng đất..., ông Được đã đúc kết một câu khiến những người đến từ Hàn Quốc hài lòng: "Cứ yên tâm đến với chúng tôi, nếu những điều gì trong phạm vi chúng tôi quyết định thì chúng tôi sẽ giúp đỡ quý vị hết mình. Còn nếu gặp phải vướng mắc ngoài khả năng giải quyết của chúng tôi thì chúng tôi sẽ xách cặp theo hỗ trợ các anh giải quyết".

Đưa 16 dự án kêu gọi đầu tư

Sau chương trình tọa đàm sáng 19-4, tỉnh Long An đã ký kết 10 bản ghi nhớ với các đơn vị Saigontel, Roland Berger, Viettel IDC, VNpay, Microsoft Việt, Siemens, SAP, SMBL, DVL VENTURES và Ngân hàng BIDV để hợp tác về việc chuyển đổi số, phát triển đầu tư...

Đồng thời, tỉnh này cũng đưa ra danh mục 16 dự án kêu gọi đầu tư, trong đó có Khu kinh tế cửa khẩu Long An (13.080ha), KCN Phú An Thạnh (1.000ha), KCN Việt Phát (918ha), KCN Prodezi (400ha), Trung tâm nghiên cứu sinh học Đồng Tháp Mười (83ha), phát triển chăn nuôi bò thịt tại tỉnh Long An (70ha), đầu tư các nhà máy chế biến khoai mỡ (3.000ha), nhà máy chế biến thanh long (10ha), khu đô thị Nam Long VCD (360ha), khu phức hợp giải trí Khang Thông (262ha), khu tiếp nhận kho vận - logistics tại Cảng quốc tế Long An (147ha), trung tâm kho vận và dịch vụ logistics ở Bến Lức (10ha)...

Nguồn: Tuổi Trẻ