Theo DKRA Vietnam, những dự án nằm trong các khu đô thị lớn với quy mô hàng trăm hecta, được quy hoạch bài bản vẫn thu hút sự quan tâm của khách hàng.

Có giá trị cộng thêm cho người mua

Dịch bệnh diễn biến phức tạp cũng như việc áp dụng Chỉ thị 16 tại Tp.HCM và một số tỉnh phía Nam gây sức ép lên nguồn cung lẫn lượng tiêu thụ dự án BĐS những tháng qua. Nhiều chủ đầu tư phải thay đổi kế hoạch, thời gian bán hàng để phù hợp với lệnh giãn cách xã hội. Giao dịch thứ cấp kém sôi động và tiếp tục xu hướng giảm do ảnh hưởng của việc tái bùng phát dịch bệnh tại Tp.HCM.

Tuy nhiên, sức cầu trên thị trường vẫn được chuyên gia đánh giá cao khi đa phần do "nén" bởi dịch bệnh chứ không phải do sự bất ổn của kinh tế hay thị trường BĐS. Dù dịch bệnh diễn ra, thị trường vẫn không ghi nhận sự hoảng loạn hay bối rối.

Theo các chuyên gia, sự tạm thời dừng lần này của thị trường BĐS là do Covid-19 khiến các hoạt động giao dịch, buôn bán buộc phải "nghỉ đông". Nếu dịch Covid-19 được kiểm soát tốt trong ba tháng tới, các lệnh giãn cách được gỡ bỏ thì rất có thể thị trường sẽ có giao dịch mạnh mẽ. Thậm chí một khoảng tăng giá hay "ấm nhẹ" cũng có thể diễn ra khi thị trường trở lại.

Theo nhận định của DKRA Vietnam, dù dịch diễn biến phức tạp, những dự án nằm trong các khu đô thị lớn với quy mô hàng trăm hecta, được quy hoạch bài bản vẫn có sức hút riêng với khách hàng.

Thời gian gần đây, thị trường Long An, Đồng Nai, Bình Dương hay Bình Phước xuất hiện các khu đô thị hàng chục đến hàng trăm hecta, thậm chí hàng ngàn hecta đang là điểm nhấn cho thị trường BĐS. Trong đó, các dự án được phát triển bởi các ông lớn BĐS như Novaland, Nam Long, Đại Phúc, Phú Mỹ Hưng… nhận được sự quan tâm đáng kể của thị trường.

Nhờ giá trị cộng thêm, BĐS Khu đô thị vẫn có sức hút riêng với người mua, bất chấp dịch bệnh

Những khu đô thị hàng trăm hecta tích hợp đầy đủ tiện ích gần như vẫn thu hút sự chú ý của người mua, ngay trong bối cảnh dịch Covid-19. Bởi, khi dịch xảy ra, những dự án mang lại giá trị cao cho người mua nhà, bao gồm không gian sống, tiện ích và sức khỏe được quan tâm. Chẳng hạn, tại huyện vùng ven của Tp.HCM như Bình Chánh, dự án KĐT Mizuki Park của CĐT Nam Long được xem là KĐT quy mô lớn tại khu vực này. Ngoài các phân khu đã hoàn thiện, lấp đầy khoảng 98% người vào sinh sống thì các phân khu khác đang chào bán sản phẩm căn hộ nhận được sự quan tâm tích cực của người mua. Bởi, khi mua ở đây, cư dân gần như được hưởng toàn bộ tiện ích đã hiện hữu của KĐT được đầu tư trước đó. Giá trị cộng thêm khi mua BĐS trong KĐT không phải dự án nào cũng đáp ứng được.

Hay, tại Tp.Thủ Đức, dự án Vạn Phúc City quy mô 198ha của CĐT Vạn Phúc vẫn nhận được sự quan tâm đáng kể của người mua, mặc dù KĐT này đã phát triển gần 10 năm qua, hiện vẫn chào bán các sản phẩm nhà phố, biệt thự, sắp tới là căn hộ. Do được đầu tư "mạnh tay" về tiện ích nội, dự án này thu hút sự quan tâm của những người thích cuộc sống khép kín, đầy đủ tiện nghi ngay trong quần thể KĐT.

Tương tự, tại Long An, dự án KĐT Waterpoint quy mô 355ha cũng nhận được sự chú ý của cả người mua thực địa phương lẫn các NĐT tại Tp.HCM thời gian gần đây. KĐT này có đủ loại hình sản phẩm từ đất nền, nhà phố, biệt thự đến shophouse, thậm chí cả căn hộ đang mở ra xu hướng tìm kiếm đa dạng cho người mua nhà.

Trong khi đó, tại Đồng Nai, dự án Aqua City của CĐT Novaland được xem là KĐT điểm nhấn của thị trường này. Với quy mô 1.000ha, trong đó có 385ha diện tích mặt nước, 32km công viên bờ sông cùng hàng chục tiện ích khác đang tạo nên quần thể KĐT được thị trường chú ý thời gian qua.

Tại thị trường Đồng Nai, thời gian qua nhiều KĐT quy mô cũng đã và đang dần xuất hiện, gây sự chú ý cho thị trường BĐS. Chẳng hạn như, Swanpark Đông Sài Gòn, KĐT thị Nam Long Đại Phước 45ha, Gem Sky World Long Thành…

Ghi nhận cho thấy, hầu hết các dự án KĐT này đều được đầu tư phát triển bởi các ông lớn BĐS nên nhận được sự quan tâm tích cực của thị trường. Những CĐT có tiềm lực thích sở hữu quỹ đất lớn, hàng trăm đến hàng ngàn héc-ta, tạo ra các khu đô thị đẳng cấp, đầy đủ dịch vụ. Nếu ở Tp.HCM, các chủ đầu tư khó lòng chọn được quỹ đất rộng thì tỉnh lân cận lại là mảnh đất còn màu mỡ về quỹ đất. Với quỹ đất đủ lớn, các chủ đầu tư có thể đầu tư hệ sinh thái trong dự án, đầy đủ dịch vụ, cơ sở hạ tầng, có trường học, bệnh viện…, tạo nên giá trị về không gian sống, tiện ích đầy đủ cho cư dân, đây chính là điểm nhấn để kéo sức mua của thị trường.

Đó cũng chính là lý do, dù dịch diễn biến phức tạp, các dự án khu đô thị vẫn nhận được sự chú ý của người mua bởi có được giá trị cộng thêm cho khách hàng. Dĩ nhiên, với tình hình chung ảnh hưởng của dịch bệnh, nguồn cầu, sức mua của các dự án KĐT cũng sẽ giảm theo. Tuy nhiên, về mức độ ảnh hưởng sẽ có phần nhẹ hơn, cũng như giá bán gần như không giảm. Giá bán của các dự án này đa phần ăn theo giá trị của tiện ích được đầu tư bài bản trong KĐT thay vì chịu quá nhiều sự lên xuống của thị trường bên ngoài. Đó là lý do, dù dịch kéo dài, nhiều BĐS trong KĐT vẫn tăng giá theo giai đoạn (tăng ở mức độ ổn định).

Sức cầu và giá bán vẫn tăng bất chấp dịch bệnh

Theo các chuyên gia, thị trường hiện đang trong trạng thái tạm lắng, tức mọi thứ đang đứng yên, dĩ nhiên không thể nào có mức tăng đột biến, nhưng đồng thời cũng không có hiện tượng giảm giá sâu ở bất cứ phân khúc nào.Nguồn cung mới có sự phục hồi so với tháng trước nhưng nhìn chung vẫn ở mức khá thấp so với cùng kỳ năm 2020.

Điều đáng nói, giá BĐS gần như không giảm trên thị trường sơ cấp, thậm chí vẫn tăng, mặc dù dịch kéo dài gần hết cả quý.

Theo báo cáo từ Batdongsan, trong tháng 8/2021 dù nguồn cung và cả nguồn cầu của các chợ bất động sản trực tuyến đang đi xuống, giá nhà tại Tp.HCM vẫn tiếp tục leo thang. Chỉ số giá chung cư tại Tp.HCM tăng 9% so với cùng kỳ năm 2020, tốc độ tăng giá này cao hơn nhiều tỉnh thành khác giữa đợt dịch lần thứ tư và nhỉnh hơn Hà Nội 1%.

Có một số nguyên nhân chính khiến giá nhà chung cư leo thang trong mùa dịch. Chuyên gia trong ngành chỉ ra, một là chi phí phát triển dự án có xu hướng tăng dần theo thời gian. Thứ hai, quỹ đất phát triển nhà ở hạn chế, chi phí đất tăng cao, lãi vay, thời gian cấp phép dự án kéo dài, dẫn đến chi phí đầu vào và phát triển dự án của doanh nghiệp càng tăng. Thứ ba, là việc thiếu vắng nguồn cung nhà ở mới khiến các dự án đang chào bán có lợi thế cạnh tranh cũng thúc đẩy sự tăng giá cục bộ.

Tương tự, ở phân khúc nhà phố giá bán vẫn leo thang, bất chấp dịch bệnh. Theo báo cáo của công ty Propzy, 18 tháng qua (suốt thời gian dịch bệnh bùng phát 4 đợt) giá nhà phố lẻ vẫn tăng trung bình 12-17% so với cùng kỳ. Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch kéo dài, thanh khoản thị trường kém.

Chia sẻ trước đó, David Jackson, Tổng giám đốc Colliers Việt Nam cho hay, dịch bùng phát lần thứ 4 với những diễn biến vô cùng phức tạp và có tác động trực tiếp đến nhiều ngành nghề. Song, chính quyền và toàn dân đã và đang có những kinh nghiệm cũng như biện pháp phòng dịch, kiểm soát tình hình dịch bệnh. Điều này tác động tích cực đến động thái của NĐT trên thị trường BĐS.

Hiện đang có hai yếu tố chính ảnh hưởng đến quyết định mua nhà của người dân là lãi suất ngân hàng và niềm tin cố hữu về BĐS của người Việt. Việc người Việt xem trọng việc "an cư" và có xu hướng tin rằng BĐS là hầm trú ẩn an toàn trong đại dịch, lại có thể tăng giá theo thời gian. Vậy nên, ở phân khúc căn hộ tầm trung, đặc biệt là dự án ở các tỉnh vùng ven của Tp HCM và Hà Nội tiếp tục chứng kiến sự quan tâm lớn từ khách hàng trong thời gian gần đây.

Theo vị chuyên gia này, không có gì phải bàn cãi rằng nhu cầu thực về nhà ở của người dân Tp.HCM hiện vẫn rất cao. Dân số cơ học của thành phố khoảng 12- 13 triệu người, không ít gia đình trẻ và các bạn trẻ đã đi làm nhiều năm vẫn chưa thể mua được căn hộ. Nguồn cung căn hộ hiện vẫn khá thiếu và mới chỉ đáp ứng được khoảng 15% nhu cầu.

Nói về tâm lý thị trường trong bối cảnh dịch bệnh, ông Võ Hồng Thắng, Trưởng phòng R&D DKRA Vietnam cho rằng, không thể phủ nhận dịch bùng phát vào cuối tháng 4 đã ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế, trong đó có thị trường BĐS. Tuy nhiên, nếu so với thời điểm một năm trước, tâm lý của người dân hiện nay chuẩn bị tốt hơn, không còn hoang mang, đây cũng chính là yếu tố cốt lõi giúp thị trường BĐS ổn định trong ngắn hạn. Còn thị trường BĐS diễn biến thế nào trong thời gian tới còn phụ thuộc vào mức độ kiểm soát dịch bệnh và độ phủ vắc -xin. Nếu thời gian khống chế dịch trong vòng 1-2 tháng thì hoạt động kinh tế - xã hội, kinh doanh BĐS sẽ ổn định trở lại, không ảnh hưởng quá nhiều.

Nguồn: CafeF